Khoá học PHỎNG VẤN XIN VIỆC bằng tiếng Anh
Khoá học PHỎNG VẤN XIN VIỆC bằng tiếng AnhUnknown5 of 5
Tiếng Anh Phú Quốc mở lớp dạy PHỎNG VẤN XIN VIỆC bằng tiếng Anh dành cho người lớn đi làm. Khi xin bất kỳ việc gì, bạn cũng được nhà tuyển dụng yêu cầu phỏng vấn trước khi họ tuyển dụng bạn bắt đầu công việc chính thức.

Khoá học PHỎNG VẤN XIN VIỆC bằng tiếng Anh

Tiếng Anh Phú Quốc mở lớp dạy PHỎNG VẤN XIN VIỆC bằng tiếng Anh dành cho người lớn đi làm. Khi xin bất kỳ việc gì, bạn cũng được nhà tuyển dụng yêu cầu phỏng vấn trước khi họ tuyển dụng bạn bắt đầu công việc chính thức. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết để "lọt vào mắt xanh" của những nhà tuyển dụng.

http://www.tienganhphuquoc.com/2017/06/khoa-hoc-phong-van-xin-viec-bang-tieng-anh.html

Sau đây là 5 chiến thuật giúp bạn chinh phục nhà tuyển dụng:

1. Tìm hiểu kỹ về công ty (tổ chức) mà bạn ứng tuyển

Bạn muốn chứng minh bạn là sự lựa chọn tốt nhất cho nhà tuyển dụng, vậy thì việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu thật kỹ xem như thế nào là tốt nhất đối với tổ chức đó cũng như vị trí mà bạn ứng tuyển. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là ứng viên hiểu rõ về tổ chức của họ nhất.
Có rất nhiều cách thức để có thể tìm hiểu về một tổ chức. Cách đơn giản và dễ dàng nhất là lên website để nắm được các thông tin như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, con người, các hoạt động, các sản phẩm, dịch vụ chính, các yêu cầu đối với vị trí mà mình ứng tuyển… Có thể đọc thêm các bài báo, các mục tin tức của công ty để cập nhật về các kế hoạch mới, dự án mới. Nếu bạn phải tham gia một buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh thì cố gắng tìm nhiều nguồn tin bằng ngôn ngữ đó, sau đó thử tập tóm tắt lại bằng tiếng Anh ở nhà, để khi được hỏi có thể dễ dàng trả lời lại một cách lưu loát. 
Chị Thùy Dương, hiện đang làm chuyên viên tư vấn thuế cao cấp tại Deloitte, có chia sẻ một cách tiếp cận rất thú vị về mặt con người mà chị đã áp dụng: “Mình biết được tên của những người mình phỏng vấn trước cả khi họ giới thiệu vì đã nghiên cứu qua LinkedIn về các nhân sự làm việc tại Deloitte và qua video trên youtube về hoạt động của phòng thuế. Mình cũng xem trên diễn đàn, hỏi han một số anh chị để biết được điểm khác biệt của Deloitte và các công ty khác về mặt con người như thế nào.”
Việc tìm hiểu thật kỹ về công ty và đặc điểm vị trí ứng tuyển không những sẽ giúp bạn tự đánh giá về sự phù hợp của bản thân với môi trường làm việc của tổ chức mà còn giúp tạo được ấn tượng ban đầu rất tốt với nhà tuyển dụng về tâm huyết mình dành cho vị trí ứng tuyển.
2. Phác hoạ bức tranh tổng thể về bản thân
Sau khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về tổ chức và vị trí mà mình ứng tuyển. điều tiếp theo mà bạn cần làm là vẽ ra một bức tranh tổng thể về bản thân, sơ đồ về con người mình để có thể dễ dàng nắm được đâu là cái mà mình muốn truyền đạt cho nhà tuyển dụng. Một trong những cách giúp bạn có thể làm được điều đó là việc lập ra danh sách câu hỏi mà các nhà tuyển dụng thường hỏi và tổng hợp các câu trả lời để có một cái nhìn tổng thể về bản thân.
Những câu hỏi, vấn đề thườn được các nhà tuyển dụng quan tâm bao gồm:
  • Định hướng phát triển bản thân, kế hoạch trong tương lai phù hợp với công việc và tổ chức
  • Kiến thức, kỹ năng mà mình đã có phù hợp với công việc và giúp đóng góp tích cực gì cho tổ chức
  • Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
  • Câu chuyện về thành công và thất bại của cá nhân bạn
Anh Giao Duy Vinh, CBD Section Manager tại P&G Vietnam, chia sẻ: “Nên dành một buổi để tự “review” lại những gì mình đã học được trong suốt thời gian qua, liên hệ những kinh nghiệm đó với giá trị mình có thể mang lại cho tổ chức. Nếu phải phỏng vấn bằng tiếng Anh thì tìm cách dịch sẵn tên tiếng Anh của một số cuộc thi, tổ chức mình đã tham gia để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng khi được hỏi.”
3. Trình bày quan điểm theo hệ thống logic
Khi được phỏng vấn bằng tiếng Anh, mỗi câu trả lời nên ngắn gọn, xúc tích, và vào thẳng vấn đề. Mỗi câu trả lời không quá 3 ý. Các ý này nên cân bằng với nhau về cả nội dung và thời lượng chia sẻ, cố gắng tránh việc trùng lặp ý. Việc này sẽ tránh cho mình bị lan man trong cách trả lời, tránh bị quên ý, nói đi nói lại một ý, đồng thời tạo ấn tượng về khả năng tư duy logic cho nhà tuyển dụng.
Câu hỏi giới thiệu bản thân là câu hỏi phổ biến và khá quan trọng. Chị Thùy Dương, hiện đang làm việc tại Deloitte, có chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên có vai trò quan trọng đến kết quả của buổi phỏng vấn. Mình muốn để lại cho các nhà tuyển dụng ấn tượng mình là một người suy nghĩ logic. Do đó mình áp dụng chiến thuật trả lời như sau: Luôn bắt đầu bằng việc tóm tắt câu trả lời của mình sẽ có bao nhiêu ý, sau đó thì đi vào từng ý và chia sẻ những dẫn chứng cụ thể chứng minh cho từng ý đó. Với loại câu hỏi này, cả câu trả lời chỉ nên diễn ra trong vòng 1-2 phút.”
Anh Giao Duy Vinh, hiện đang làm cho tập đoàn P&G, cũng nhấn mạnh: “Đây là câu hỏi quá phổ biến nên hầu hết các công ty mong chờ đc nghe một câu trả lời sáng tạo và thú vị thay vì đi theo lối cũ. Thay vì tập trung vào các thông tin cơ bản đã có trong CV khi nộp, ứng viên nên tập trung giới thiệu những gì nổi trội, độc đáo của riêng mình, những điều không được thể hiện trong CV để tạo cảm hứng cho người tuyển dụng. Đối với câu hỏi về Thành tích hoặt động tham gia, chỉ cần nêu và nhấn mạnh một đến hai hoạt động mà trong đó mình học được nhiều, làm được nhiều vị trí, và có nhiều kinh nghiệm từ đó tạo cơ hội cho các nhà tuyển dụng sẽ đào sâu vào khám phá năng lực và thế mạnh của ứng viên.”
Chị Lê Hằng, từng làm việc tại Media Tenor International AG, chia sẻ: “Với mỗi nhận định về bản thân, bạn cần đưa ra ví dụ, bằng chứng cho những phẩm chất, năng lực bạn nêu ra. Thay vì nói theo kiểu liệt kê, sẽ hay hơn nếu bạn kể một câu chuyện ngắn hoặc nêu nguồn gốc hay những ảnh hưởng tới bạn. Hãy nói về mình một cách cảm xúc và theo cách riêng của mình, đừng nói theo kiểu khuôn sáo. Và đừng bịa ra những phẩm chất, năng lực mà mình không có vì bạn cần nhớ rằng nhà tuyển dụng thường là những người có mắt nhìn người rất tốt. Nhà tuyển dụng không chỉ nghe những lời bạn nói, họ quan sát cách bạn trả lời, thái độ và hành vi. Trong nhiều trường hợp, họ có thể sẽ chọn bạn vì họ linh cảm bạn là ứng viên phù hợp mặc dù câu trả lời của bạn có thể không thật sự xuất sắc.”
Việc học cách phát triển ý nhiều khi không được coi trọng trong các khóa học tiếng Anh, nhưng đây lại là một kỹ năng quan trọng không chỉ trong việc đi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh mà còn trong công việc tương lai.
4. Thể hiện phong cách cá nhân
Hãy suy nghĩ về ấn tượng mà bạn muốn tạo ra đối với nhà tuyển dụng. Việc đó sẽ giúp bạn quyết định bạnnên ăn mặc ra sao đến buổi phỏng vấn, sẽ thể hiện cảm xúc như thế nào, sẽ trả lời câu hỏi ra sao, và sẽ thể hiện phong cách của bạn như thế nào.
Chị Lê Hằng có chia sẻ thêm: “Mỗi người phỏng vấn có một phong cách phỏng vấn khác nhau. Có người tỏ ra khắt khe và lạnh lùng nhằm gây áp lực tâm lý cho thí sinh nhưng cũng có người thể hiện rất thân thiện và thoải mái. Dù gặp phong cách nào thái độ của bạn vẫn phải lịch sự, nghiêm túc và hòa nhã. Hãy nở 1 nụ cười trong quá trình phỏng vấn bất cứ khi nào có thể mà không gây gián đoạn mạch trả lời dù người phỏng vấn có cười lại với bạn hay không. Điều này giúp bạn bình tĩnh hơn, làm chủ được cảm xúc của mình và phần nào gây được thiện cảm với ng đối diện.”
5. Diễn đạt ngắn gọn - súc tích - dễ hiểu
Anh Giao Duy Vinh, CBD Section Manager tại P&G Vietnam, chia sẻ: “Phỏng vấn bằng tiếng Anh thì nên trả lời ngắn gọn và súc tích, tránh diễn đạt quá dài như khi trả lời bằng tiếng Việt. Tránh sử dụng các từ khó mà mình không hiểu rõ ràng nghĩa, hoặc 1 số từ phức tạp, điều này có thể làm người phỏng vấn không hiểu rõ những gì mình muốn truyền đạt, gây hiểu nhầm.” Bên cạnh đó, ứng viên cũng cần nắm rõ các từ chuyên ngành bằng tiếng Anh cơ bản cho vị trí mà mình ứng tuyển.
Chị Lê Hằng lại nhấn mạnh việc luyện tốt ngữ điệu tiếng Anh khi phỏng vấn: “Tiếng Anh là ngôn ngữ có ngữ điệu nên khi nói các bạn cần chú ý tới ngữ điệu, có độ lên xuống rõ ràng thay vì nói đều đều như tiếng Việt. Nói với giọng đều đều khiến cho người nghe cảm giác bạn như một cái máy vô cảm hoặc khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không thực sự hào hứng với công việc mà bạn đang ứng tuyển.”
“Một phần rất quan trọng là “practice makes perfect”. Khi mình luyện tập nhiều với các câu hỏi, mình sẽ có tâm lý thoải mái và sẵn sàng hơn khi tiếp nhận các câu hỏi và phân tích các câu hỏi mới cũng nhanh hơn. Do mình luyện tập cũng tương đối nên mình đi phỏng vấn với tư thế khá thoải mái. Nếu câu nào mà cần suy nghĩ thì đừng ngại xin các anh chị phỏng vấn cho em 1-2 phút suy nghĩ, điều này không làm ảnh hưởng đến đánh giá của các anh chị, thậm chi các anh chị có thể đánh giá mình là người cẩn trọng.” (Chị Thùy Dương, Deloitte).
Bạn đang chờ lịch hẹn để phỏng vấn ? Hãy chọn lớp PHỎNG VẤN XIN VIỆC và ĐĂNG KÝ NGAY để chúng tôi sắp lớp cho bạn và giúp bạn "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng !

Đăng bình luận

Lên đầu trang